Châu Phi: Lần đầu tiên phát hiện cá heo bạch tạng cực hiếm có
21/04/2023

Cặp vợ chồng mới cưới đã bắt gặp một con cá heo mũi chai non bạch tạng (có thể là con đầu tiên thuộc loại này được phát hiện tại châu Phi) bơi cùng khoảng 200 con cá heo khác. 

Vào ngày 04/04, tại vịnh Algoa (điểm nóng tập trung nhiều động vật hoang dã ở tỉnh Eastern Cape – Nam Phi), một đôi vợ chồng mới cưới may mắn cùng bạn bè, người thân chứng kiến một cá heo con màu sắc khác thường trên tàu Raggy Charters. Được biết, thuyền trưởng kiêm chủ sở hữu tàu Raggy Charters chính là người đầu tiên phát hiện chú cá heo này bơi giữa đàn cá heo mũi chai tại Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Chú cá heo mũi chai non bạch tạng đang bơi cùng cá heo trưởng thành1
Chú cá heo mũi chai non bạch tạng đang bơi cùng cá heo trưởng thành

“Bất thình lình tôi bắt gặp một vệt trắng lóe lên trong nước giữa đàn cá heo gần 200 con. Khi tôi nhìn lại lần nữa, thì thấy một con cá heo bạch tạng non xinh đẹp đang ở đó”, Edwards chia sẻ.

Các chuyên gia cho biết, chú cá heo này có khả năng khoảng 1 tháng tuổi và dài tầm 1 mét, rất có thể là một con bạch tạng thực sự, nhưng điều này vẫn chưa thể chắc chắn lắm nếu chỉ nhìn qua hình ảnh. 

Chú cá heo này có khả năng khoảng 1 tháng tuổi và dài tầm 1 mét2
Chú cá heo này có khả năng khoảng 1 tháng tuổi và dài tầm 1 mét

Được biết, bạch tạng là một tình trạng di truyền, nó ngăn chặn sự sản xuất của các sắc tố melanin, khiến da và lông đều có màu trắng. Động vật bạch tạng thường có màu trắng và màu hồng – cả hai dạng này đều nhạy cảm với ánh sáng hơn bình thường. 

Bệnh bạch tạng thường có thể bị nhầm lẫn với bệnh Leucism – một tình trạng ngăn cản tế bào riêng lẻ sản xuất melanin. Động vật khi mắc bệnh Leucistic có thể có màu trắng hoàn toàn hay các mảng trắng xen lẫn với màu bình thường của chúng. 

Theo Erich Hoyt – Nhà nghiên cứu tại WDC (Tổ chức Bảo tồn Cá voi và Cá heo) ở Anh, đồng thời là tác giả của cuốn sách “Bách khoa toàn thư về cá voi, cá heo và cá heo” chia sẻ, màu trắng toàn thân của con cá heo cho thấy nó là một con bạch tạng thực sự. Tuy nhiên, chỉ có xét nghiệm di truyền mới là cách duy nhất để khẳng định nó có mắc bệnh bạch tạng hay không. 

Đối với một số loài động vật, việc mắc bệnh bạch tạng có thể làm giảm đáng kể cơ hội sống sót của chúng. Đó là lý do vì sao bệnh bạch tạng lại rất hiếm gặp trong tự nhiên. 

Hoyt cũng cho biết thêm, thị lực kém của cá heo cũng không ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của nó, vì cá heo sử dụng âm thanh để săn mồi và giao tiếp. Hơn nữa, cá thể này cũng có khả năng sinh ra những con có màu sắc bình thường, trừ khi đối tác của nó cũng sở hữu gen bạch tạng. 

Vào tháng 6/2017, một con cá heo Risso bạch tạng 3 tuổi (Grampus Griseus) cũng được phát hiện đang bơi cùng mẹ tại vịnh Monterey ở California, Mỹ. Con cá heo này có sức khỏe tốt và nhiều cơ hội sống sót, theo các chuyên gia cho biết tại thời điểm đó.